Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MANG MẦU SẮC TRUNG QUỐC

NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 2 năm 2013
Chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc là sản phẩm kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội dân chủ của Marx-Engels và thực tiễn cụ thể trong công cuộc cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình năm 1978.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) chuyển sang hướng chủ nghĩa xã hội dân chủ là muốn làm theo di huấn của Marx-Engelslúc cuối đời.
Về mặt kinh tế họ đã triệt để ly khai với mẫu hình Liên Xô và định vị lại lịch sử của chủ nghĩa xã hội để tiến cùng thời đại.
Tuy nhiên, về mặt chính trị, họ vẫn còn nhiều khó khăn chưa giải quyết vì “cánh tả” trong Đảng vẫn còn đó và vẫn còn là một trở ngại chưa thể vượt qua.

Để tìm hiểu sư chuyển biến của Trung Quốc từ chủ nghĩa xã hội bạo lực sang chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc, cần duyệt qua nhiều giai đoạn.
Những đoạn viết tiếp theo sẽ diễn tả tiến trình chuyển hóa khó khăn này.
Tư tưởng Mao Trạch Đông trong thời kỳ ở Diên An
Tháng 10/1940, khi còn ẩn náu ở Diên An, Mao Trạch Đông đã cho ra mắt một tác phẩm mang tựa đề
“Bàn Về Chủ Nghĩa Dân Chủ Mới”.
Trong tác phẩm này, Mao chủ trương thiết lập chính phủ liên hiệp và phản đối chuyên chính độc đảng. Mao cũng công nhận quyền tư hữu trong một nền kinh tế nhiều thành phần, quan tâm cả công hữu lẫn tư hữu và thực hiện một chính sách vừa đoàn kết vừa đấu tranh với giai cấp tư sản.
Mao nhận định:
“Hiện nay chúng ta thiết lập xã hội dân chủ mới, vừa mang tính tư bản chủ nghĩa vừa mang tính quần chúng nhân dân. Đây không phải là chủ nghĩa tư bản cũ mà là chũ nghĩa tư bản mới, gọi là
“chủ nghĩa dân chủ mới”.
Khi một phóng viên hãng thông tấn Reuter đặt câu hỏi:
“Ông định nghĩa thế nào là Trung Quốc tự do dân chủ ?”
Mao trả lời:
“Trung Quốc tự do dân chủ là một nước mà chính quyền các cấp từ địa phương cho đến trung ương đều ra đời thông qua việc bỏ phiếu kín, phổ biến, bình đẳng và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhà nước đó sẽ thực hiện chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, ba nguyên tắc dân có, dân trị, dân hưởng của Lincoln, bốn tư tưởng lớn của Roosevelt và sẽ bảo đảm đất nước đoàn kết, thống nhất, hợp tác với các cường quốc dân chủ”.
Chủ nghĩa dân chủ mới của Mao Trạch Đông, vì mang mầu sắc tự do nên đã lôi cuốn được giai cấp trung gian (tư sản dân tộc) và đó là nguyên nhân quan trọng khiến cách mạng vô sản nhanh chóng thành công.
Lý luận “dân chủ mới” là tinh hoa của tư tưởng Mao Trạch Đông
Tại cuộc họp trù bị Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 tháng 6/1950 Mao nói:
“Hợp tác với giai cấp tư sản là điều khẳng định, nếu không thì cương lĩnh của chúng ta sẽ trở thành giấy trắng, không lợi về chính trị lại thiệt thòi về kinh tế…Duy trì công thương nghiệp tư doanh, một là duy trì sản xuất, hai là duy trì công nhân, ba là để cho công nhân được hưởng một số phúc lợi. Đương nhiên trong số đó cũng phải dành cho nhà tư bản một phần lợi nhuận nhất định. Nói một cách tương đối, hiện nay phát triển công thương nghiệp tư doanh, tuy có lợi cho nhà tư bản nhưng còn có lợi hơn cho công nhân và nông dân”.
Thật là một tư tưởng trong sáng, một nhận định hợp thời.
Tiếc thay, tư tưởng này không kéo dài được bao lâu thì Mao lại quay về với lý luận chủ nghĩa xã hội không tưởng trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848.
Mao Trạch Đông trở mặt và bản di huấn sau khi cướp chính quyền
Năm 1949 sau khi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, nhân dân Trung Quốc hy vọng Mao Trach Đông thực hiện lời hứa dân chủ thời Diên An, là làm cho Diên An trở thành Washington của Trung Quốc. Nhưng khi vào được Trung Nam Hải thì Mao trở mặt tuyên bố ông vừa là Marx vừa là Tần Thủy Hoàng.
Ở ngôi chúa tể, Mao nhận định là các nước Tây Phương, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, và Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc hàng trăm ngàn dặm vuông lãnh thổ và hàng tá nhượng địa. Mao thề phải phục hận và lấy lại những gì đã mất.
Trong chương trình thu hồi lãnh thổ và lãnh hải, Mao chú trọng đầu tiên đến Biển Đông và nói với các tướng lãnh:
“Bắt đầu từ lúc này Thái Bình Dương không còn an bình nữa và an bình chỉ trở lại khi nào chúng ta làm chủ vùng biển này”.
Năm 1952, trong một buổi họp các lãnh đạo tỉnh, Mao nói:
“Chúng ta phải kiểm soát toàn thế giới, phải lập một Ủy Ban Kiểm Soát Toàn Cầu và hoạch thảo một kế hoạch để thi hành nhiệm vụ này”.
Mao cũng ra lệnh phải quần tụ lại với các chư hầu cũ và gom góp các tiểu nhược quốc đàn em dưới quyền lãnh đạo của Bắc Kinh. Với một ý chí sắt đá, Mao quyết định là tất cả những việc này sẽ được tiến hành và hoàn tất bằng binh lực.
Để lời nói đi đôi với việc làm, Mao đã can thiệp vào chiến tranh Cao Ly giúp Bắc Triều Tiên, xâm chiếm Tây Tạng, bắn phá các đảo Kim Môn, Mã Tổ đe dọa Đài Loan, gây chiến với Ấn Độ ở vùng biên giới phía Nam, xích mích với Liên Xô trong vùng biên giới phía Bắc và viện trợ ồ ạt cho cộng sản Việt Nam
Bản đồ mới này bao gồm tất cả vùng Đông Nam Á: Việt Nam, Lào, Cao Miên, Miến Điện Thái Lan, là những nước có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc; những nước có căn cứ quân sự Hoa Kỳ hoặc do Hoa Kỳ chiếm giữ sau Chiến Tranh Lạnh như Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Hong Kong, Ma Cao, Mã Lai Á, Nam Dương; và các phần đất Nội Mông, Mãn Châu, Tân Cương trong tay Liên Xô.
Tất cả đều là những mục tiêu phải giành lại, dưới con mắt của Mao.
Mao chết năm 1976.
Chương trình phục hận của Mao được các thế hệ lãnh đạo tiếp nối tiến hành.
Thật ra khi còn tại vị, Mao đã tàn bạo hơn Tần Thủy Hoàng rất nhiều  bước “Nhảy Vọt Lớn” với 37,5 triệu người chết đói đã trở thành bạo chính lớn nhất cổ kim trong và ngoài nước.
Đánh giá lại Mao Trạch Đông
Sai lầm lớn nhất của Mao sau ngày dựng nước là đã từ bỏ lý luận kiến quốc “dân chủ mới” và vội vã thực hiện giấc mơ xây dựng “xã hội đại đồng”.
Sau 6 năm cầm quyền Mao đã dựa vào tuyên truyền và bạo lực để cải tạo xã hội.
Thời gian 1956-1976 là 20 năm chủ nghĩa xã hội bạo lực đã phát triển ác tính và phá nát dân tộc cùng đất nước Trung Hoa.
“Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ ngày dựng nước”
do Đặng Tiểu Bình chủ trì vào tháng 6/1981 đã có một vai trò lịch sử và là một công lao vĩ đại trong việc định rõ và điều chính sai lầm của Mao sau ngày dựng nước.
Nghị quyết đó đã đưa Trung Quốc đi lên con đường “cải cách mở cửa”.
Tuy nhiên vì sự điều chỉnh chưa được triệt để nên một vài khiếm khuyết tả khuynh hãy còn tồn tại.
Sau khi Mao qua đời (1976), trong và ngoài nước đều vang lên tiếng hô dữ dội
“Thời cơ đánh giá lại Mao Trạch Đông đã chín muồi”.
Nghị quyết nói trên đã khẳng định tính đúng đắn của cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh và dành cho nó một địa vị chính thống trong lịch sử.
Cũng phải kể thêm cả sự sáng suốt dành cho vấn đề bảo hộ chế độ tư hữu vào hiến pháp vì vấn đề này không thể thiếu để hỗ trợ triệt để cho “cải cách mở cửa”.
Tuy nhiên, đến đây cần phải nhắc đến một điểm đặc biệt cần ghi nhận: để giữ sự nhất trí với nghị quyết nói trên, Đặng và môn đệ đã phải áp dụng chính sách “bật tín hiệu rẽ trái, bẻ tay lái sang phải” vì “cánh tả” cực đoan và bảo thủ không ngớt lên tiếng buộc tội phục hồi chủ nghĩa tư bản.
Họ nói “cải cách mở cửa” đã làm hỏng hết sự nghiệp vĩ đại của Mao Trạch Đông.
Ba thập kỷ sau khi Mao chết, công cuộc giải phóng lực lượng sản xuất đã đạt được những thành tích lẫy lừng chưa từng thấy.
Người ta thuật lại câu chuyện sau đây để nhắc nhở người đời:
Năm 1975, Trung Quốc cử Đặng Tiểu Bình dẫn một phái đoàn sang Mỹ dự kỳ họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc; vì không thể dùng nhân dân tệ cho chi phí của phái đoàn nên lệnh khẩn cấp ban ra cho các ngân hàng gom góp đô la Hoa Kỳ; tổng số gom được lúc đó chỉ là 38.000 USD.
Vậy mà sau 30 năm phát triển sản xuất, dự trữ ngoại tệ hiện nay của Trung Quốc là 1.200 tỷ USD, vượt Nhật Bản và đứng đầu thế giới.
Thời kỳ Đặng Tiểu Bình và con đường “cải cách mở cửa
Đặng Tiểu Bình, kế thừa lý luận xây dựng một nước dân chủ mớicủa Mao Trạch Đông và tham khảo thêm kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội dân chủ Âu Châu, đã hình thành con đường “cải cách mở cửa” và tạo nên mẫu hình “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”
Tháng 3/2004, Kỳ Họp Thứ 2 Quốc Hội Khóa 10, đưa ra tư tưởng quan trọng “ba đại diện” và điều khoản công nhận “chế độ tư hữu” vào hiến pháp.
Đó là cải cách chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc kể từ ngày “mở cửa” đến nay. Đoàn kết với giai cấp tư sản không phải là ủng hộ “bóc lột” mà là sử dụng họ vào việc quản lý kinh tế để nâng cao hiệu qủa sản xuất, góp phần tăng thêm tổng lượng của cải xã hội.
Nguyên nhân căn bản dẫn đến thất bại toàn diện ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào cuối thế kỷ 20 là do không đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, là thực hiện sai lầm chính sách đối với giai cấp tư sản.
Thay đổi hợp lý chính sách đối với giai cấp tư sản là sự tổng kết sâu sắc nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc (thế hệ thứ ba và thứ tư) về bài học thất bại của phong trào cộng sản quốc tế, là sự phát triển sáng suốt nhất của lý luận Đặng Tiểu Bình.
Giờ đây, đối với giai cấp tư sản, Đảng CSTQ tiếp tục thực hiện chính sách vừa đoàn kết, vừa đấu tranh.
Đoàn kết để bảo đảm việc phân phối lợi ích cho công nhân, nông dân và cho toàn xã hội. Đấu tranh để bảo hộ chế độ tư hữu và thúc đẩy lực lượng sản xuât tiên tiến phát triển nhanh chóng.
Cùng giàu có không phải là tước đoạt tài sản của người khác mà làm cho mọi người cùng giàu lên, cùng được hưởng thành quả của phát triển.
Đây là then chốt để chính trị ổn định lâu dài và cũng là then chốt để kinh tế tăng trưởng liên tục.

Cuộc sửa đổi hiến pháp với sự công nhận nguyên tắc “ba đại diện” và “quyền tư hữu” đã điều chỉnh những sai lầm nghiêm trọng nhất của chủ nghĩa xã hội bạo lực. /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét