Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Quy định mới của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông

Đặng Khương chuyển ngữ,
Brian Spegele

Quy định mới của Trung Quốc tập trung vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa
BẮC KINH – Quy định mới của Trung Quốc đòi hỏi các ngư dân nước ngoài phải có được sự đồng ý của Bắc Kinh trước khi hoạt động trong vùng tranh chấp ở Biển Đông, khu vực mà Việt Nam và một số nước khác cũng lên tiếng tuyên bố chủ quyền. Một quan chức cho biết quy định mới này có khả năng dẫn tới va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian tới.

Quy định mới này được ban hành bởi tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc hôm ngày 1 tháng Giêng, một trong những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền và làm tăng thêm căng thẳng tại các vùng đảo có tranh chấp. Đây đồng thời cũng là đường hàng hải quan trọng cũng như có nguồn ngư cá dồi dào đối với thương mại thế giới. Philippines và Việt Nam trong tuần qua đã lên tiếng chỉ trích quy định trên, trong khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi đó là hành động ” khiêu khích và nguy hiểm”.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát chủ quyền lãnh thổ, trong đó bao gồm cả tuyên bố vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông làm dấy lên căng thẳng với Nhật Bản và thách thức luôn cả Hàn Quốc. Các hành động mới do Trung Quốc gây ra trong khu vực Biển Đông có thể dẫn đến các cuộc đụng độ với các nước láng giềng ở phía nam.
Wu Shicun, đại biểu thuộc cơ quan lập pháp và cựu giám đốc văn phòng nước ngoài của tỉnh Hải Nam, cho biết hôm ngày 10 tháng Giêng rằng quy định này sẽ áp dụng cho toàn bộ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, kéo dài đến tận gần bờ biển của Philippines và Malaysia.
Tuy nhiên, trong thực tế thì ông Wu nói rằng Trung Quốc sẽ tập trung thực thi quy định này tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nằm ​​ở phía nam đảo Hải Nam, và có thể sẽ không đi xa hơn. Ông Wu cho biết hình phạt – có khả năng bao gồm cả tiền phạt lẫn thu giữ sản lượng mà ngư dân khai thác được – sẽ được tăng cường đối với các ngư dân đi vào khu vực này mà không xin phép. Ông cho biết Việt Nam đã lên tiếng khuyến khích ngư dân của mình tiếp tục vào khu vực này để đánh bắt cá.
“Mục đích là để làm cho họ không dám trở lại”, ông Wu – đồng thời là chủ tịch Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông cho biết. “Nếu bạn vi phạm các quy tắc, bạn sẽ phải trả giá rất cao”. Ông cho biết Hoa Kỳ cũng đã làm lớn vụ việc này mà theo ông là nhằm kiểm soát tốt hơn ngành công nghiệp đánh bắt cá.
Trung Quốc đã bất hợp pháp kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sau khi chiếm đóng từ phía Việt Nam [tức Việt Nam Cộng hoà] trong trận hải chiến năm 1974, và kể từ đó đã xây dựng lên chính phủ địa phương khá lớn bao gồm luôn cả sự hiện diện quân sự.
Cho đến nay thì Hà Nội vẫn không từ bỏ yêu sách chủ quyền của mình. Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định hôm ngày 10 tháng Giêng rằng Việt Nam có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một nhóm đảo xa hơn về phía nam mà Trung Quốc lẫn một số nước khác cũng lên tiếng tuyên bố một phần hoặc toàn chủ quyền.
“Bất kỳ hoạt động nào của nước ngoài trong khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều bất hợp pháp và không hợp lệ”, ông nói trước giới truyền thông.
Một số nước khác có tranh chấp với Việt Nam bao gồm Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trong thời gian gần đây căng thẳng ngoại giao và các cuộc đối đầu đã gia tăng giữa lúc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chính sách chủ quyền của họ. Hôm tháng Ba, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc bắn vào một tàu đánh cá Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sau các thủy thủ Trung Quốc đã bắn hai phát pháo sáng để cảnh báo chứ không tấn công phía Việt Nam.
Hôm ngày 9 tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ “nghiêm trọng lo ngại” tơi quy định mới của phía Trung Quốc. “Việc này chỉ làm căng thẳng gia tăng, gây phức tạp hóa tình hình ở Biển Đông, và đe dọa hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”, bản tuyên bố  viết.
Luật pháp hiện hành của Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải có phép của chính quyền trung ương trước khi hoạt động trong vùng lãnh hải của mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong khi đó quy định mới này thì do tỉnh Hải Nam trực tiếp giải quyết đối với vùng tranh chấp tại Biển Đông.
Xa hơn về phía nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa nàm ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, là một ngư trường phong phú. Khu vực này còn được dự đoán có khả năng chứa đựng lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Ông Wu cho biết ngư dân Philippines hoạt động gần quần đảo Trường Sa sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp mới.
Ông Wu cho biết ưu tiên trong việc thực thi quy định mới này là lãnh thổ của Trung Quốc – vùng biển mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mở rộng lên đến 12 hải lý tính từ đường “cơ sở”.
“Quy định này chỉ áp dụng đối với vùng lãnh hải mà chúng tôi đã công bố đường cơ sở, và đó là những vùng biển trên thực tế chúng tôi có thể kiểm soát được”, ông nói.
Hoa Kỳ từ lâu đã cho biết họ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ hỗ trợ các biện pháp có lợi cho việc duy trì tự do hàng hải. Ông Wu cho biết quy định mới không đe dọa đến tự do hàng hải trong khu vực.
Khi được hỏi về những chỉ trích của các nước trong vùng đối với quy định mới này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng Trung Quốc có quyền quản lý tài nguyên trong lãnh thổ của mình.
Bài viết có thêm sự đóng góp của Yang Jie ở Bắc Kinh và Vu Trong Khanh ở Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét