Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Trung Quốc với cuộc chiến biên giới Trung – Ấn

Lãnh thổ TQ rộng gần 9,6 triệu kilômét vuông, đứng thứ ba thế giới, song với chủ nghĩa bá quyền đại hán tộc đã tồn tại hàng ngàn năm, Chính phủ TQ vẫn chưa bằng lòng. TQ có lịch sử tranh chấp lãnh thổ lâu đời với các nước có chung đường biên giới, họ thèm muốn từng tấc đất. Tranh chấp biên giới trên đất liền, trên biển với VN mà đỉnh cao là cuộc xâm lược năm 1979; tranh chấp trên biển Đông với 6 nước Asean hiện đang diễn ra quyết liệt. Một tin gây sửng sốt, ngay đầu năm 2011, Tajikistan đã đồng ý nhượng 1 ngàn km vuông lãnh thổ cho Trung Quốc. Cần lưu ý, cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước này đã kéo dài nhiều thế kỷ.

Lịch sử ghi lại chuyện thầy trò Đường Tăng vượt ngàn dặm, đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, còn lưu truyền mãi mãi. Hai nước Trung – Ấn có quan hệ hữu nghị lâu đời. Trong quá trình lịch sử, hai nước đã hình thành một đường biên giới tập quán truyền thống. Tuyến đường biên giới này chia ra đoạn phía Tây, đoạn Giữa và đoạn phía Đông, dài khoảng 2.000 km.
Năm 1914, Hăng ri Macmahông, đại biểu Chính phủ Anh cùng với đại biểu nhà đương cục Tây Tạng ký kết văn kiện, hình thành đường “Macmahông” nổi tiếng. Sau ngày lập nước CHNDTH, TQ cho rằng, về lịch sử, hai nước Trung – Ấn chưa bao giờ hoạch định biên giới, nhưng thực sự tồn tại đường biên giới tập quán truyền thống. TQ cho rằng, cái gọi là đường “Macmahông” là phi pháp, xâm lấn 9 vạn km vuông lãnh thổ TQ.
Thế thì, thử hỏi, đường biên giới Trung – Việt theo hiệp ước Pháp – Thanh, TQ  có coi là phi pháp hay không?
TQ cho rằng, từ năm 1959 đến 1961, quân đội Ấn Độ đã dùng máy bay xâm nhập không phận TQ, tiến hành trinh sát khiêu khích trên 120 lần chiếc. Tháng 8.1959, quân đội Ấn Độ xâm nhập khu vực Sơn Nam đoạn phía Tây biên giới, nổ súng tập kích bộ đội tuần tra biên phòng TQ. Tháng 10.1959, quân đội Ấn Độ ở nơi tiếp giáp Latak thuộc Kasơmia đoạn phía Tây biên giới, bao vây bộ đội biên phòng TQ, bắn chết, bắn bị thương nhiều bộ đội biên phòng TQ.
Liên Xô – người anh Cả của các nước XHCN lúc bấy giờ, theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn, nắm rõ tình hình của mỗi bên. Thông tấn xã TASS của Liên Xô công khai tuyên bố chỉ trích TQ, bênh vực Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp biên giới.
Tại Bắc Kinh, Bí thư thứ nhất BCH TW ĐCS Liên Xô Khơrútsốp đã có một cuộc nói chuyện căng thẳng với các nhà lãnh đạo TQ.
Nguyên soái Trần Nghị, Ngoại trưởng TQ mở đầu:
- Trong vấn đề biên giới Trung – Ấn, các đồng chí đã có lập trường thiên vị Ấn Độ.
- Chúng tôi chỉ nhắc nhở các đồng chí chú ý đoàn kết với Nê ru. Các đồng chí đã vì một bãi đất đồng hoang cỏ cháy kia mà xung đột với Nê ru. Ở đó có cái gì? Ở đó rất không đáng giá gì! Khơrútsốp đáp trả.
- Trong tháng Tám, sự kiện Rănggiu phát sinh, sau đó lại xẩy ra một số xung đột với bộ đội biên phòng TQ. Thế nhưng, Thông tấn xã TASS của các đồng chí tuyên bố công khai thiên vị Ấn Độ, chỉ trích TQ. Trần Nghị tiếp tục.
- Tây Tạng với Ấn Độ là láng giềng, bản thân Tây Tạng không thể tạo thành bất cứ uy hiếp nào với Ấn Độ, thế mà TQ lại vì Tây Tạng mà xung đột với Ấn Độ, lẽ nào đây là một sự sáng suốt?
Vấn đề Tây Tạng, các đồng chí không thận trọng, không nên để cho Đạt Lai Lạt Ma bỏ chạy. Khơrútsốp nói.
Mao Trạch Đông:
- Đường biên giới dài như vậy, chúng tôi làm sao nhìn thấu ông ta được?
- Các đồng chí để cho Đạt Lai Lạt Ma bỏ chạy, kết quả lại gây ra xung đột biên giới, gieo lửa với Ấn Độ trung lập.
Chu Ân Lai:
- Đồng chí Khơrútsốp, đồng chí hoàn toàn lạc đề rồi. Đạt Lai Lạt Ma làm phản chạy trốn, Ấn Độ xâm nhập và rõ ràng là xâm phạm TQ, làm sao có thể nói thả cho chạy được?
- Đồng chí là nhà ngoại giao lớn, nổi tiếng thế giới, lẽ nào không hiểu được ý nghĩa của việc đoàn kết với Nê ru?
Một mình Khơrútsốp rất khó khăn mới thoát ra được sự công kích của hầu hết Ủy viên BCT ĐCS TQ có mặt tại cuộc hội đàm.
Trở lại với cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn. Ngày 20.10.1962, quân đội TQ mở cuộc tấn công toàn diện vào quân đội Ấn Độ ở đoạn phía Đông và đoạn phía Tây, sau khi cho rằng quân đội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào quân đội TQ  ở hai đoạn trên.
Quân đội TQ với ưu thế về binh lực đã ào ạt vượt sông, sau đó chia thành các mũi tiến thẳng vào nơi quân Ấn xâm nhập. Quân Ấn Độ đào hào và xây lô cốt dày đặc, cố thủ với hỏa lực đan chéo mãnh liệt. Trận đánh diễn ra ở địa hình đồi núi, tác chiến bằng đơn vị bộ binh gọn nhẹ với lựu đạn, súng tiểu liên, bộc phá, có sự yểm trợ của pháo binh. Cả hai nước đều không dùng không quân và hải quân trong cuộc xung đột. Năm 1979, cuộc chiến biên giới Trung – Việt cũng diễn ra mà hai bên không sử dụng không quân và hải quân.
TQ huyên hoang, trong hơn một tuần, quân biên phòng TQ đã quét sạch 86 % cứ điểm quân sự của quân Ấn Độ, đẩy lùi quân Ấn Độ về bên kia biên giới.
Theo chiến thuật thường dùng, sau khi giành ưu thế quân sự, TQ lại đưa ra đề nghị hòa bình, buộc Ấn Độ ngồi vào bàn thương lượng. Chu Ân Lai viết thư cho Nê ru và các nguyên thủ trên thế giới, nêu rõ lập trường của TQ giải quyết vấn đề biên giới.
Tại Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông một mình bước ra khỏi phòng làm việc. Lát sau, Chu Ân Lai cũng bước ra, cả hai men theo con đường hàng cây râm mát, vừa đi vừa nói chuyện.
Mao nhìn tơ liễu rủ trên mặt nước, quay đầu lại hỏi:
- Thư đã giao đi chưa?
- Đã giao hoàn toàn rồi!
- Một bên là đánh trận bằng quân sự, một bên là đánh trận bằng ngoại giao, đều cần phải tranh thủ sự chủ động. Xem ra đã đánh được kha khá rồi phải không?
- Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu, tinh thần bộ đội rất hăng hái, đã tiến đến giới tuyến truyền thống rồi, hơn 5 ngàn lính địch bị tiêu diệt, thu nhiều vũ khí.
Mao gật đầu:
- Trên cơ bản là chiến tranh tiêu diệt.
- Để tạo điều kiện có lợi cho cuộc đàm phán hòa bình, chúng ta chuẩn bị dừng lửa tại đây, bộ đội sẽ rút lui.
- Tôi xem có thể được, dừng lửa tại đây, lui quân về vị trí tập kết, chúng ta nhường họ một chút, cũng xem như là sự thành ý của cuộc đàm phán.
Chính phủ Ấn Độ cự tuyệt mưu mẹo đó, tuyên bố cả nước ở vào “tình trạng khẩn cấp”, thành lập “nội các ứng phó tình hình khẩn cấp”, cử người ra nước ngoài mua vũ khí, yêu cầu tăng viện trợ quân sự, quyết tâm tác chiến với TQ.
Trung tuần tháng 11, tổng binh lực quân đội Ấn Độ bố trí trên khu vực biên giới Trung – Ấn tăng từ 2,2 vạn người lên 3 vạn người. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, quân đội Ấn Độ bắt đầu tiến công mãnh liệt toàn tuyến với sự yểm hộ của pháo binh. Giai đoạn hai của cuộc xung đột, từ 16 đến 21.11.1962 bắt đầu.
Về sự bố trí của quân đội Ấn Độ, nguyên soái Lưu Bá Thừa, Tư lệnh bộ đội TQ tác chiến ở biên giới Trung – Ấn ví von, thế trận của quân đội Ấn Độ là một loại “đầu đồng, đuôi thiếc, lưng chặt, bụng lỏng”, mục đích là ngăn chặn quân TQ phản kích vào phía Nam, đồng thời chờ dịp tiến công, xâm nhập hướng Bắc.
Với lực lượng vượt trội và sự bất ngờ, TQ đã giành ưu thế trong cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, kéo dài một tháng. Bài học của Ấn Độ là bài học về xây dựng lực lượng phòng thủ, về tính chủ động nhằm tiên liệu một cuộc xâm lấn bất ngờ của TQ. Lịch sử cho thấy, không một nước nào có chung đường biên giới với TQ được phép quên điều đó.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét