Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Trung Quốc chiến đấu như thế nào: những bài học qua cuộc chiến tranh Trung-Ấn và chiến tranh Trung-Việt

"Newsweek", USA
1962, Trung Quốc đã dạy cho Ấn Độ một “bài học” có giá trị đến ngày hôm nay.
Ngày 20 tháng Mười năm 1962, ngay trước lúc bình minh, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ xâm chiếm Ấn Độ. Các đơn vị quân đội mạnh mẽ như trận cuồng phong liên tục tấn công và vượt qua phần phía đông và phía tây dãy Hy Mã Lạp Sơn, tiến sâu vào phần đông bắc của đất nước. Vào ngày thứ 32 của cuộc chiến tranh, Bắc Kinh bỗng nhiên thông báo lệnh ngừng bắn đơn phương, và chiến tranh kết thúc đột ngột như nó đã bắt đầu.

 Mười ngày sau đó, người Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi phần phía Đông của Ấn Độ nằm giữa Bhutan và Miến Điện, nhưng giữ lại những vùng lãnh thổ đã chiếm được ở phía tây, khu vực trước đây là một phần của công quốc Jammu và Kashmir. Ấn Độ phải chịu thất bại hoàn toàn và vô cùng nhục nhã, còn uy tín quốc tế của Trung Quốc thì tăng lên rõ rệt.
Cuộc xung đột này đã tiết lộ những yếu tố chính trong học thuyết chiến lược của Bắc Kinh, do đó nó chính là một bài học. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét 6 nguyên tắc cơ bản mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tuân thủ trong cuộc xâm lược Ấn Độ và chắc chắn là sẽ được sử dụng trong tương lai.
Đột ngột. Trung Quốc rất coi trọng yếu tố bất ngờ, cho phép tóm gọn đối phương một cách bất thình lình. Ý tưởng nằm ở chỗ dành chiến thắng thật nhanh chóng trên chiến trường để bẻ gãy đối thủ cả về mặt chính trị lẫn tâm lý. Thật vậy, người Trung Quốc bắt đầu và kết thúc chiến tranh năm 1962 khi Ấn Độ ít mong đợi nhất. Họ cũng đã hành động tương tự khi xâm lược Việt Nam vào năm 1979.
Tập trung toàn diện. Các vị tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng cần phải tấn công nhanh chóng và mạnh mẽ hết sức có thể. Đó chính là chiến thuật mà họ đã thể hiện qua cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống Ấn Độ vào năm 1962. Mục tiêu ở đây là buộc kẻ thù phải “giao chiến với kết cục nhanh”. Tập trung toàn diện vào mục tiêu là điểm đặc thù cho tất cả các hoạt động quân sự mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã thực hiện kể từ năm 1949.
Tấn công trước. Bắc Kinh không bao giờ ngần ngại sử dụng vũ lực để giải quyết những vấn đề chính trị. Ngược lại, Trung Quốc đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ luôn sẵn sàng để “dạy một bài học” cho đối phương, nếu như có kẻ dám thách thức Bắc Kinh trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai đã giải thích rằng chiến tranh năm 1962 nhằm mục đích "cho Ấn Độ một bài học nên thân". Đặng Tiểu Bình, người đầu tiên trong các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đến thăm Hoa Kỳ, đã sử dụng ngôn từ tương tự trong năm 1979 trong chuyến thăm tới Washington, khi tuyên bố với Jimmy Carter, đương kim Tổng thống lúc đó rằng “Việt Nam, cũng như Ấn Độ, cần phải bị trừng trị”.
Chờ đợi. Người Trung Quốc tin rằng phải chờ đợi thời điểm thích hợp. Cuộc chiến tranh 1962 là ví dụ điển hình của chiến thuật này. Vụ tấn công xảy ra đồng thời với cuộc khủng hoảng Caribe, đã đưa thế giới đến sát bên bờ vực của ngày tận thế hạt nhân. Tình hình này làm chuyển hướng sự chú ý của những quốc gia có thể hỗ trợ cho Ấn Độ. Đến khi Hoa Kỳ cho hay về việc đối đầu với Matxcova đã chấm dứt, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố ngừng bắn đơn phương.
Một sơ đồ hành động tương tự đã được sử dụng sau đó. Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, khi Việt Nam mất đi sự ủng hộ của Matxcova, và cuộc chiến tranh Afghanistan làm cho Liên Xô từ bỏ niềm đam mê vào các cuộc phiêu lưu quân sự nước ngoài, Trung Quốc liền xâm chiếm rạn đá ngầm Johnson, một phần của quần đảo Trường Sa. Năm 1995, với thực tế là Philippines không được bảo vệ, người Mỹ đã buộc phải đóng cửa các căn cứ quân sự ở Vịnh Subic Bay và các khu vực khác của quần đảo này, cho phép người Trung Quốc dành quyền kiểm soát rạn san hô Mischif.
Biện minh cho hành động của mình. Bắc Kinh thích ngụy trang những hành động xâm lược của mình bằng các mục đích quốc phòng. Cuộc tấn công vào Ấn Độ năm 1962 được Bắc Kinh chính thức gọi là “phản công để phòng thủ”, và thuật ngữ này sau đó cũng được sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược Việt Nam, cũng như cho việc xâm lược các quần đảo Hoàng Sa, rạn san hô Johnson và rạn đá ngầm Mischif.
Sẵn sàng mạo hiểm. Những hành động liều mạng từ lâu đã là một phần không tách rời của chiến lược quân sự Trung Quốc. Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng cho các hoạt động quân sự là điều hiển nhiên cho tất cả, không chỉ dưới thời đại của Mao Trạch Đông, thời kỳ đầy dẫy những thay đổi rắc rối trong chính sách, mà cả khi người rất thực dụng như Đặng Tiểu Bình cũng quyết định xâm lược Việt Nam, bỏ qua khả năng can thiệp từ phía Liên Xô
Cách đây năm thập kỷ, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã giao tranh và đổ máu trên một chiến trường cao nhất của thế giới. Dấu mốc 50 năm sau cuộc chiến Trung - Ấn đã bị dấu mốc kỷ niệm 50 năm Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba làm mờ nhạt trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, theo báo mạng AsiaTimes Online, cuộc xung đột biên giới chóng vánh và cay đắng giữa Trung Quốc với Ấn Độ đã để lại một hệ quả địa chính trị to lớn không chỉ cho hai cường quốc này mà còn cho toàn thế giới.
Mối quan hệ cốt lõi giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới bị ám ảnh bởi bóng ma của lịch sử và sự xuất hiện của nguy cơ xung đột trong tương lai. Môi trường chiến lược vẫn bị mắc kẹt trong mô hình của sự đối đầu, bất chấp những cải thiện trong quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Những nguyên nhân địa chính trị khu vực đã dẫn đến cuộc chiến Trung-Ấn vẫn hầu như chưa được giải quyết. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn tranh chấp biên giới chung, vốn được người Anh và người Tây Tạng ấn định năm 1914. Chính phủ Trung Quốc bác bỏ đường biên giới này với lý do nó là do đế quốc phương Tây để lại. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ lại đòi chủ quyền đối với khu vực Askai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Đặc biệt, Ấn Độ hiện vẫn hỗ trợ về mặt chính trị và nơi cư trú cho Đạtlai Lạtma – thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc coi chính sách này là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. 
Ấn Độ lưu giữ ký ức cay đắng về Cuộc chiến Trung-Ấn. Chiến thắng chóng vánh đầy mưu lược của Trung Quốc và việc phải thực hiện đơn phương ngừng bắn sau đó vẫn còn là một ký ức đáng xấu hổ đối với giới chính trị Ấn Độ. Tháng 10 vừa qua, báo chí Ấn Độ đã đăng tải rất nhiều bài viết chi tiết và sâu sắc về hệ quả của cuộc chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony mới đây đã đến khu vực biên giới Đông Bắc và phát biểu về những ký ức của cuộc chiến cũng như tình thế quân sự hiện nay rằng: "Cơ sở hạ tầng tại Đông Bắc hiện chưa khiến chúng ta hài lòng nhưng đã được nâng cấp rất nhiều so với trước đây… cơ sở hạ tầng, tài lực và nhân lực, tất cả mọi thứ đã được cải thiện. Ấn Độ của năm 2012 không phải là Ấn Độ của thời kỳ đó. Chúng ta hiện có đủ khả năng bảo vệ từng tấc đất của chúng ta". 
Trong khi đó, cuộc chiến gần như đã bị quên lãng tại Trung Quốc. Một cuộc thăm dò dư luận do tờ Thời báo Hoàn Cầu tiến hành cho thấy chỉ 15% người trưởng thành tại các đô thị Trung Quốc tham gia trả lời biết về cuộc chiến. Mã Lập – chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc giải thích về sự khác biệt này: "So với người Ấn Độ, những người ghi nhớ sâu sắc về cuộc chiến vì họ đã thất bại, rất ít người Trung Quốc biết về cuộc chiến". 
Lý do về ký ức mờ nhạt của người Trung Quốc cũng có thể được giải thích theo cách khác ngoài việc họ chiến thắng. Một cuộc chiến thắng lợi trước một nạn nhân châu Á của đế quốc phương Tây có thể không mang lại tiếng vang tốt cho hình ảnh của Trung Quốc. Ngoài ra, người Trung Quốc hiện tập trung quan tâm đến các vấn đề kinh tế và trong nước. Cuối cùng, tâm trí của người Trung Quốc bị chiếm giữ bởi chiến thắng rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống Nhật. 
Môi trường chiến lược 
Sự đối đầu tổng thể và về quân sự vẫn duy trì hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc tập trung vào các mối bận tâm chiến lược một cách tương đồng đáng ngạc nhiên. Cả hai nước đều cảm thấy bị bao quanh bởi sự thù địch, hay các đối thủ tiềm tàng. Một cái nhìn lướt qua trên bản đồ có thể giải thích tại sao vị trí địa lý của Ấn Độ lại khiến Ấn Độ nhạy cảm trong việc lo sợ về những gì bao quanh. Phía Tây là kẻ thù “anh em” Pakixtan mà Ấn Độ đã có tới ba cuộc chiến. Mặc dù đường biên giới đã khá yên ả, Ấn Độ và Pakixtan vẫn tranh chấp quyền kiểm soát khu vực Casơmia, và đối đầu với nhau về các kho vũ khí hạt nhân mới đang ngày càng tăng. Trung Quốc, quốc gia không ngừng tăng cường sức mạnh và là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến chóng vánh cách đây 50 năm, nằm ở biên giới phía Bắc Ấn Độ. Đáng ngại nhất, Trung Quốc và Pakixtan là đồng minh thân cận trong hơn năm thập kỷ qua. 
Trung Quốc cũng có cảm giác bị o ép tương tự. Sự quay trở lại châu Á của Mỹ, cùng với tranh chấp chủ quyền hiện nay với Nhật Bản, Philíppin và Việt Nam gây áp lực bên sườn Trung Quốc. Trong khi mối quan hệ hiện tại với Nga tương đối thân thiện, điều hiếm thấy khi nhìn lại lịch sử. Ápganixtan và các quốc gia đa phần là Hồi giáo khác nằm ở phía Tây Trung Quốc được xem là một nguy cơ tiềm tàng cho sự mất ổn định của các khu vực biên giới với người Hồi giáo của Trung Quốc. Phía Nam Trung Quốc là Ấn Độ, một thế lực kinh tế đang phát triển và một cường quốc hạt nhân mới. Trung Quốc xem mối quan hệ an ninh và chính trị đang phát triển giữa Oasinhtơn, Niu Đêli và Tôkyô là một mối đe dọa tiềm tàng về lâu dài. 
Đang có một “bữa tiệc khiêu vũ” lạ mắt giữa Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Pakixtan trên lục địa châu Á. Mặt khác, Mỹ, do tình hình bạo lực tại Ápganixtan, phải duy trì bằng được mối quan hệ không mấy yên ả với Pakixtan. Cùng lúc đó, Oasinhtơn cố gắng thuyết phục để Ấn Độ trở thành đồng minh ngầm chống lại Trung Quốc. 
Hàng tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ cho Pakixtan làm phức tạp thực sự những nỗ lực chiều lòng Ấn Độ. Quan hệ đồng minh của Trung Quốc với Pakixtan cũng làm phức tạp các cuộc thương lượng của Trung Quốc với Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc cảm thấy không tin tưởng các nước lớn, và đang nỗ lực bảo đảm hòa bình lâu dài với Pakixtan để nhận được nhiều lợi thế địa chính trị hơn nữa. 
Bên cạnh những lo ngại địa chính trị cơ bản này là những lo lắng về sự chia rẽ và mất ổn định trong nước. Trung Quốc và Ấn Độ là “cái nôi của nền văn minh” tồn tại vô số nhóm sắc tộc và ngữ hệ. Nguyên nhân chủ yếu của bất đồng giữa Trung Quốc với Ấn Độ là sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với Đạtlai Lạtma và chính phủ lưu vong của Đạtlai Lạtma đóng tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ. Vùng lãnh thổ phía Tây rộng lớn của Trung Quốc, giáp giới với Ấn Độ, là nơi sinh sống của các nhóm thiểu số cứng đầu cứng cổ. Vì những lý do địa chính trị và lịch sử đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn hết sức thận trọng đối với mọi nguy cơ đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ. 
Niu Đêli cũng đối mặt với vô số nguy cơ trong nước. Các nhóm phiến quân Casơmia, nhóm du kích Maoít và các nhóm bộ tộc nổi dậy tại vùng cực Đông Bắc đe dọa đến chủ quyền của Niu Đêli. Cũng như việc Ấn Độ hỗ trợ chính trị cho Đạtlai Lạtma, Trung Quốc, trong quá khứ, cũng hỗ trợ hậu cần cho một số lực lượng vũ trang nổi dậy bên trong Ấn Độ. 
Những lo lắng chiến lược tương đồng giữa hai quốc gia bên sườn núi Himalaya chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc và Ấn Độ cùng chia sẻ sâu sắc. Cả hai vùng đất cùng thừa kế hàng nghìn năm truyền thống văn hóa. Cả hai cùng phát triển kinh tế chóng mặt trong vài thập kỷ gần đây. Cả Bắc Kinh và Niu Đêli cùng hăm hở bước lên vũ đài quốc tế và tuyên bố về vị thế xứng đáng của mình sau hàng thế kỷ phải trải qua sự xấu hổ, quản lý yếu kém và sự chịu đựng lạ thường. 
Bất chấp lịch sử đầy tranh cãi, mối quan hệ Trung-Ấn đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Năm 2005, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký một hiệp ước để giải quyết một cách hòa bình tranh chấp biên giới và triển khai "mối quan hệ đối tác chiến lược". Trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng này, Trung Quốc đã công nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với vương quốc Sikkim tại Himalaya trước kia và bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Niu Đêli trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thì ca ngợi mối quan hệ đối tác tiềm năng Trung-Ấn với tuyên bố "Ấn Độ và Trung Quốc có thể cùng nhau lập lại trật tự thế giới". 
Và quả thực là hai nước có thể. Vượt qua mọi cú sốc không thể lường trước trong cuộc đua, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thế kỷ này. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng đạt được của hai nước đã chuyển dịch sự cân bằng sức mạnh tài chính và kinh tế thế giới về phía Đông bán cầu. Khi mà các nền kinh tế mới nổi này vẫn còn một số lượng lớn dân nghèo, cả hai đã đề xuất hỗ trợ chính trị chung những thỏa thuận thay đổi môi trường phù hợp với riêng từng nước. 
Nguồn lực tài chính mạnh của Trung Quốc có thể đầu tư cho các dự án hạ tầng đầy tham vọng tại Ấn Độ mang lại lợi ích chung. Quan trọng nhất, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã được mở rộng nhanh chóng và hiện có giá trị gần 75 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. 
Nền tảng rộng lớn của những lợi ích chung đó có thể không hoàn toàn dung hòa được những lo lắng địa chính trị. Thương mại tốt, tuy nhiên nguy cơ bất ngờ cắt đứt quan hệ giữa hai cường quốc và đang phát triển là vẫn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, sự cân bằng trong yếu tố quân sự Trung-Ấn có thể hoàn toàn vô hiệu hóa những lo ngại chung về sự bao vây quân sự. 
Điểm mấu chốt trong quan hệ Trung-Ấn 
Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt tới một trạng thái hai bên cùng đảm bảo khả năng hủy diệt lẫn nhau. Vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni V của Ấn Độ hồi tháng 4 có thể đưa toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào trong tầm của hệ thống tên lửa chiến lược của Ấn Độ. Việc triển khai này, cùng với việc triển khai năng lực tấn công thứ hai dựa vào tàu ngầm, đã cho phép Ấn Độ vươn tới mức đáng tin cậy về năng lực phòng thủ hạt nhân đối phó với Trung Quốc. Cả hai bên hiểu rằng không được để xảy ra một cuộc chiến Trung-Ấn nữa, vì cả Bắc Kinh và Niu Đêli đều không thể đảm bảo một cuộc xung đột như vậy sẽ không leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. 
Như chuyên gia Mã Lập nhận định: "Không thể tưởng tượng được khi hai cường quốc vũ trang hạt nhân xảy ra chiến tranh". Lo lắng về sự bao vây địa chính trị đã thành lỗi thời với suy luận tàn ác rằng cả hai bên sẽ cùng hủy diệt. 
Sau vụ Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Agni V hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố hòa giải đáng chú ý khi xem xét đến khả năng tên lửa đạn đạo đã được cải thiện của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phản hồi về vụ phóng tên lửa với tuyên bố “Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia lớn đang phát triển. Chúng ta không phải là đối thủ mà là đối tác… Chúng tôi tin rằng cả hai bên cần trân trọng các quan hệ tốt đẹp đã dày công đạt được ở thời điểm hiện tại, và nỗ lực gìn giữ sự hợp tác chiến lược thân thiện để thúc đẩy phát triển chung cũng như đóng góp tích cực để gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực”. Tuyên bố này rất thân thiện và khác xa so với tuyên bố từ một cường quốc hạt nhân thù địch. 
Do Trung Quốc và Ấn Độ không bao giờ được tiến tới chiến tranh, họ không có lựa chọn nào ngoài hợp tác. Tiềm năng lớn của lợi ích chung có thể đạt được nếu cả hai bên hành động vì lợi ích lâu dài. Quả vậy, các lĩnh vực tăng cường hợp tác giữa hai nước có dân số đông nhất thế giới đã mở rộng vượt xa ngoài các lĩnh vực chính trị và kinh tế truyền thống. 
Thế mạnh của Ấn Độ hầu hết là điểm yếu của Trung Quốc, và thành tích hiện tại của Trung Quốc lại là hình ảnh đối ngược những thất bại của Ấn Độ. Thành công ấn tượng của Trung Quốc trong việc giúp phần lớn người dân nước này thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực trong ba thập kỷ qua đối lập với những vấn đề tồn tại dai dẳng tại Ấn Độ như mù chữ và suy dinh dưỡng tràn lan. Mức độ thiếu thốn vật chất cùng cực tại các thành phố và làng quê của Ấn Độ đã vượt xa những gì có thể thấy trong hiện tại ở Trung Quốc. 
Mặt khác, Ấn Độ lại làm tốt hơn Trung Quốc rất nhiều trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Phần lớn người dân Ấn Độ vẫn thích mặc các trang phục truyền thống hơn là quần áo phương Tây. Ngành công nghiệp phim Bollywood và âm nhạc Ấn Độ rất phổ biến với người nước ngoài, trong khi hầu hết văn hóa xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc tương đối tầm thường. Trong khi Trung Quốc làm tốt hơn trong việc cung cấp cho người dân nước này các nhu yếu phẩm cần thiết, Ấn Độ lại có một nền văn hóa tiên tiến, được duy trì liên tục lại thu hút được những người yêu thích trên khắp thế giới. 
Trung Quốc và Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với việc phát triển sự đối đầu thân thiện. Cả hai nước có nhiều điều phải học hỏi lẫn nhau. Người dân hai nước rất tin tưởng vào mối quan hệ kinh tế được cải thiện và tầm nhìn chiến lược, nhận ra sự vô nghĩa hoàn toàn của xung đột vũ trang. 
Bài học về thành công vật chất của Trung Quốc có thể giúp hàng trăm triệu người dân Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói. Thành tích văn hóa của Ấn Độ có thể là một minh chứng giúp Trung Quốc bồi đắp những lỗ hổng về tinh thần và sáng tạo. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ có thể nhận ra những lo ngại và hy vọng chung, đồng thời khai thác những lợi thế chung, thì những ký ức ám ảnh của cuộc chiến năm 1962 có thể ngủ yên trong dĩ vãng.

Brendan P O’Reilly là nhà văn, nhà giáo dục trường Seattle hiện công tác tại Trung Quốc. Ông là tác giả của “The Transcendent Harmony”. Bài viết được đăng trên Asia Times Online.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét